Chảo chống dính bị bong tróc, trầy xước do đâu? Cách bảo quản chảo
Chảo chống dính bị bong tróc, trầy xước do đâu? Cách bảo quản chảo
Nồi chảo chống dính rất hay có tình trạng bong tróc, trầy xước,... Việc này có phải do lỗi của sản phẩm hay do bản thân sử dụng sai cách
Lớp chống dính ở chảo là gì?
Lớp chống dính của nồi chảo là một (hoặc nhiều lớp) vật liệu có tác dụng chống bám dính được phủ lên bề mặt của chảo.
Hiện nay, lớp chống dính thường được làm từ các chất liệu như polytetrafluoroethylene (PTFE), có thương hiệu phổ biến như Teflon, hoặc các chất liệu mới phát triển gần đây như ceramic, titanium, hoặc diamond-infused coating.
Lớp chống dính cũng như các vật liệu khác, nó cũng có tuổi thọ nhất định và đặc biệt là khả năng chịu trầy xước khá kém, cho nên khi sử dụng thì bạn cần hạn chế sử dụng vật kim loại để tránh trầy.
Một số nồi chảo sau này sử dụng vật liệu mới, hoặc phủ nhiều lớp chồng lên nhau giúp khả năng chống trầy của lớp chống dính hiệu quả hơn nhiều. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng đúng khuyến cáo thì chảo mới bền được.
Những nguyên nhân gây ra tình trạng bong xước lớp chống dính
Mua nồi chảo kém chất lượng
Có những sản phẩm nhìn giống y hệt nồi chảo chính hãng nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều, có trường hợp rẻ gần nửa giá so với hàng chính hãng. Theo mình thì bạn không nên mua vì nó có nhiều tác hại với sức khỏe.
Với các sản phẩm chính hãng, lớp chống dính và lớp keo kết nối ở giữa phải được xử lý để loại bỏ các chất gây ung thư. Do đó quy trình phức tạp hơn, chi phí tốn kém hơn nhiều. Còn hàng trôi nổi, họ chỉ cần làm giống như hàng chính hãng là được, họ không quan tâm đến chất lượng sản phẩm cũng như an toàn sức khỏe. Do đó nguy cơ các chất ung thư tích tụ trong cơ thể sẽ rất lớn.
Nồi chảo kém chất lượng khi nấu một thời gian sẽ bị bong thành mảng lớn, lớp chống dính cũng không thực sự hiệu quả và rất dễ trầy.
Bị bong chống dính do sốc nhiệt
Hiện tượng sốc nhiệt bạn cũng có thể hiểu đơn giản là: một vật liệu đang nóng bỗng được làm nguội đột ngột như nhúng vào nước thì sẽ làm cho vật liệu co dãn không đều, làm cho vật liệu cong vênh, biến dạng.
Nếu nồi chảo đang nóng mà bị làm lạnh đột ngột thì sẽ làm cho chất liệu nhôm co lại rất nhanh, lớp chống dính không co giãn kịp nên sẽ dẫn đến bị nổi bong bóng, bong thành mảng lớn hoặc nguy hiểm hơn là toàn bộ phần chống dính bị dộp khỏi lòng chảo.
Tình trạng bong chống dính do sốc nhiệt này, hãng sẽ không có trách nhiệm bảo hành, vì vậy bạn cần tránh trường hợp này. Mặc dù tình trạng này rất hiếm khi xảy ra ở nồi chảo chính hãng.
Bị trầy do sử dụng vá kim loại
Đa số mọi người đều sử dụng vá chiên xào bằng inox thay vì vá nhựa hay gỗ vì nó tiện dụng hơn, không sợ bị biến dạng hay mốc.
Bởi vì vá inox có thiết kế cạnh khá sắc nên khi chiên xào, thành vá rất dễ làm trầy lớp chống dính. Mặc dù hiện nay một số dòng chảo phủ nhiều lớp chống dính để chống trầy nhưng phương pháp này cũng chỉ "chống" chứ không thể "không trầy" được.
Lớp chống dính dễ trầy nhất khi bạn chiên cá hay xào cơm. Khi chiên cá, vì sợ cá bị dính lớp da làm mất thẩm mỹ nên bạn thường có thói quen ép vá sát mặt chảo để lật cá, điều này góp phần làm cho ma sát giữa vá inox và lớp chống dính trở nên rõ ràng hơn. Còn khi chiên cơm, bạn thường trộn liên tục nên khả năng bị trầy là rất lớn.
=> Để đảm bảo lớp chống dính bền hơn, nồi chảo sử dụng thời gian dài hơn thì bạn nên tập thói quen sử dụng vá gỗ hoặc vá nhựa, hiện nay có nhiều loại vá nhựa an toàn sức khỏe và chịu được nhiệt rất cao.
Bị trầy do miếng nhôm khi vệ sinh nồi chảo
Miếng nhôm gồm các sợi kim loại mảnh cấu thành, cho nên bề mặt của nó cũng rất sắc. Nếu sử dụng nhiều lần, nó sẽ bào mòn lớp chống dính và làm mất đi khả năng vốn có của lớp chống dính ở nồi chảo.
Về cơ bản, nồi chảo chống dính sẽ không bị bám bởi bất cứ loại thực phẩm nào cho nên bạn không cần dùng quá nhiều sức lực. Chỉ cần cho một ít nước rửa chén, dùng miếng vải lau nhẹ là sạch sẽ. Đây cũng là lý do vì sao mà nồi chảo chống dính lại được ưa chuộng hơn so với các dòng nồi chảo truyền thống.
Dầu mỡ, nước đường, kẹo mạch nha hay các loại rất dính khác cũng không bám được vào bền mặt của lớp chống dính nên bạn cứ yên tâm.
Hư hỏng chống dính do sử dụng hóa chất
Acid mạnh: Acid như axit sulfuric (H2SO4) hoặc axit hydrocloric (HCl) có thể phá huỷ lớp chống dính trên chảo.
Kiềm mạnh: Các chất kiềm mạnh như NaOH (hidroxit natri) hoặc KOH (hidroxit kali) cũng có thể làm hư hỏng lớp chống dính.
Chất tẩy rửa mạnh: Một số chất tẩy rửa mạnh, chẳng hạn như natri hypochlorite (NaClO) hoặc chất tẩy rửa chứa chất oxy hóa mạnh, cũng có thể ảnh hưởng đến lớp chống dính.
Lớp chống dính đã đạt tuổi thọ
Không có thứ gì là có thể sử dụng mãi mãi, lớp chống dính cũng vậy, nó cũng có thời gian sử dụng nhất định. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng hợp lý và tránh những trường hợp ở trên thì có thể sử dụng đến 3 - 4 năm. Mình dùng chảo chống dính Greencook đến nay được hơn 2 năm nhưng chảo vẫn sử dụng tốt, chưa có vết xước nào, khả năng chống dính tuy không còn như lúc mới mua nhưng vẫn chiên cá ít dầu mà không bị dính.
Một số lưu ý bạn nên biết để nồi chảo được bền
- Không được nhúng nồi chảo đang nóng vào nước lạnh ngay, bạn phải để nguội hoặc hơi nguội rồi mới cho vào chậu nước.
- Chỉ tránh không được nhúng nồi chảo vào chậu nước, còn nồi chảo đang nấu nóng thì vẫn có thể cho nước lạnh vào bình thường (trường hợp phi hành rồi cho nước vào nấu canh,...).
- Không dùng vá inox để xào nấu vì cạnh sắc nhọn của vá có thể gây xước chống dính.
- Không dùng miếng nhôm hay miếng kim loại khi vệ sinh.
- Không dùng dao hoặc vật nhọn để cạy.
- Không dùng các chất tẩy rửa mạnh để tránh ăn mòn lớp chống dính, gia đình thì dùng nước rửa chén là được.
- Tránh để nhiệt quá cao, ví dụ như đặt chảo không lên bếp, phi hành tỏi quá lâu làm xuất hiện khói trắng,...
- Khi chảo xuất hiện bong tróc, bạn nên bỏ đi để đảm bảo an toàn sức khỏe.